Ngày 19/5/2004 Cục Văn thư Lưu trữ Nhà nước ban hành công văn số 283/VTLTNN-NVTW về việc hướng dẫn chỉnh lý tài liệu lưu trữ
HƯỚNG DẪN
CHỈNH LÝ TÀI LIỆU HÀNH
CHÍNH
(Ban hành theo Công văn
số 283/VTLTNN-NVTW ngày 19 tháng 5 năm 2004 của Cục Văn thư và Lưu trữ nhà
nước)
I. HƯỚNG DẪN CHUNG
1. Đối tượng và phạm vi áp dụng
- Hướng dẫn
này được áp dụng để chỉnh lý các phông hoặc khối tài liệu hành chính tiếng Việt
được hình thành trong quá trình hoạt động của các cơ quan nhà nước, tổ chức
chính trị-xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp, tổ chức kinh tế,
đơn vị vũ trang nhân dân (sau đây gọi chung là cơ quan, tổ chức) tại lưu trữ
lịch sử các cấp và lưu trữ hiện hành của các cơ quan, tổ chức.
- Khi chỉnh
lý tài liệu hành chính tiếng Pháp thuộc thời kỳ Pháp thuộc ở Việt Nam và Đông
Dương, tài liệu khoa học và công nghệ, tài liệu xây dựng cơ bản, tài liệu xuất
xứ cá nhân, có thể vận dụng Hướng dẫn này nhưng cần được bổ sung cho phù hợp
với đặc thù của mỗi loại hình tài liệu.
- Tài liệu
phim, ảnh, băng hình, đĩa hình, băng âm thanh, đĩa âm thanh và tài liệu trên
các vật mang tin khác không thuộc phạm vi áp dụng của Hướng dẫn này.
2. Khái niệm, mục đích, yêu cầu chỉnh lý
a) Khái niệm:
Chỉnh lý tài
liệu là tổ chức lại tài liệu theo một phương án phân loại khoa học, trong đó
tiến hành chỉnh sửa hoàn thiện, phục hồi hoặc lập mới hồ sơ; xác định giá trị;
hệ thống hoá hồ sơ, tài liệu và làm các công cụ tra cứu đối với phông hoặc khối
tài liệu đưa ra chỉnh lý.
b) Mục đích:
- Tổ chức sắp
xếp hồ sơ, tài liệu của phông hoặc khối tài liệu đưa ra chỉnh lý một cách khoa
học tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý, bảo quản và khai thác, sử
dụng tài liệu;
- Loại ra
những tài liệu hết giá trị để tiêu huỷ, qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả sử
dụng kho tàng và trang thiết bị, phương tiện bảo quản.
c) Yêu cầu:
Tuỳ theo điều
kiện cụ thể của từng cơ quan, tổ chức (kinh phí, thời gian, nhân lực, trình độ
cán bộ, cơ sở vật chất) và tình hình khối tài liệu đưa ra chỉnh lý (mức độ phân
loại, lập hồ sơ) mà thực hiện chỉnh lý hoàn chỉnh hoặc một số công đoạn của quy
trình chỉnh lý (chỉnh lý sơ bộ).
Tài liệu sau
khi chỉnh lý hoàn chỉnh phải đạt được các yêu cầu sau:
- Phân loại
và lập thành hồ sơ hoàn chỉnh;
- Xác định
thời hạn bảo quản cho hồ sơ, tài liệu đối với lưu trữ hiện hành; xác định tài
liệu cần bảo quản vĩnh viễn và tài liệu hết giá trị cần loại ra để tiêu huỷ đối
với lưu trữ lịch sử;
- Hệ thống
hoá hồ sơ, tài liệu;
- Lập các
công cụ tra cứu: mục lục hồ sơ, tài liệu; cơ sở dữ liệu và công cụ tra cứu khác
phục vụ cho việc quản lý, tra cứu sử dụng;
- Lập danh
mục tài liệu hết giá trị loại ra để tiêu huỷ.
3. Nguyên tắc
chỉnh lý:
- Không phân tán
phông lưu trữ. Tài liệu của từng đơn vị hình thành phông phải được chỉnh lý và
sắp xếp riêng biệt;
- Khi phân
loại, lập hồ sơ (chỉnh sửa hoàn thiện, phục hồi hoặc lập mới hồ sơ), phải tôn
trọng sự hình thành tài liệu theo trình tự theo dõi, giải quyết công việc.
- Tài liệu
sau khi chỉnh lý phải phản ánh được các hoạt động của cơ quan, tổ chức hình
thành tài liệu; sự liên hệ lôgíc và lịch sử của tài liệu.
II. CHUẨN BỊ CHỈNH LÝ
1. Giao nhận tài liệu
- Đối với
những lưu trữ lịch sử và lưu trữ hiện hành có bộ phận quản lý kho riêng và bộ
phận chỉnh lý tài liệu riêng thì khi xuất tài liệu ra khỏi kho để chỉnh lý phải
tiến hành giao nhận tài liệu. Số lượng tài liệu giao nhận được tính bằng mét
giá; riêng đối với các phông hoặc khối tài liệu đã được lập hồ sơ sơ bộ, phải
ghi rõ số lượng cặp, hộp và số lượng hồ sơ hoặc đơn vị bảo quản.
- Việc giao
nhận tài liệu phải được lập thành biên bản theo mẫu đính kèm (Phụ lục 1).
2. Vệ sinh sơ bộ và vận chuyển tài liệu về địa
điểm chỉnh lý
Để hạn chế
tác hại do bụi bẩn từ tài liệu gây ra đối với người thực hiện, trước khi chỉnh
lý cần tiến hành vệ sinh sơ bộ tài liệu bằng cách dùng các loại chổi lông thích
hợp để quét, chải bụi bẩn trên cặp, hộp hoặc bao gói tài liệu, sau đó đến từng
tập tài liệu.
Khi vệ sinh
và vận chuyển tài liệu cần lưu ý tránh làm xáo trộn trật tự sắp xếp các cặp,
hộp hoặc bao gói tài liệu cũng như các hồ sơ hay các tập tài liệu trong mỗi
cặp, hộp hoặc bao gói; đồng thời, không làm hư hại tài liệu.
3. Khảo
sát tài liệu
a) Mục đích, yêu cầu
- Mục đích
của việc khảo sát tài liệu là nhằm thu thập thông tin cần thiết về tình hình của phông hoặc khối tài liệu đưa ra
chỉnh lý, làm cơ sở cho việc biên soạn các văn
bản hướng dẫn chỉnh lý; lập kế hoạch và tiến hành sưu tầm, thu thập những tài
liệu chủ yếu còn thiếu để bổ sung cho phông và thực hiện chỉnh lý tài liệu đạt
yêu cầu nghiệp vụ đặt ra.
- Yêu cầu
khảo sát tài liệu là phải xác định rõ những vấn đề sau:
+ Tên phông;
giới hạn thời gian: thời gian sớm nhất và muộn nhất của tài liệu trong phông
hoặc khối tài liệu đưa ra chỉnh lý;
+ Khối lượng
tài liệu đưa ra chỉnh lý: số mét giá; số cặp, gói tài liệu và số lượng hồ sơ,
đơn vị bảo quản (đối với tài liệu đã được lập hồ sơ sơ bộ);
+ Thành phần
tài liệu: tài liệu hành chính bao gồm những loại văn bản, giấy tờ chủ yếu gì;
ngoài ra, trong phông hoặc khối tài liệu đưa ra chỉnh lý còn có những loại tài
liệu gì (tài liệu kỹ thuật, phim ảnh ghi âm...); …
+ Nội dung
của tài liệu: tài liệu của những đơn vị hay thuộc về những mặt hoạt động nào;
những lĩnh vực, vấn đề chủ yếu và sự kiện quan trọng trong hoạt động của cơ
quan, đơn vị hình thành phông được phản ánh trong tài liệu;
+ Tình trạng
của phông hoặc khối tài liệu đưa ra chỉnh lý:
Mức
độ thiếu đủ của phông hoặc khối tài liệu;
Mức
độ xử lý về nghiệp vụ: phân loại lập hồ sơ, xác định giá trị…;
Tình
trạng vật lý của phông hoặc khối tài liệu;
+ Tình trạng
công cụ thống kê, tra cứu.
b) Trình tự
tiến hành:
Bước 1: Nghiên cứu biên bản,
mục lục hồ sơ, tài liệu giao nộp từ đơn vị, cá nhân vào lưu trữ để nắm được
thông tin ban đầu về tài liệu.
Bước 2: Trực tiếp xem xét khối
tài liệu. Nếu có nhiều người cùng tham gia thì phân công mỗi người khảo sát một
phần.
Bước 3: Tập hợp thông tin và
viết báo cáo kết quả khảo sát theo Đề cương biên soạn đính kèm (Phụ lục 2).
4. Thu thập, bổ sung tài liệu
Qua khảo sát
tài liệu, nếu phát hiện thành phần tài liệu của phông còn thiếu, cần tiến hành
thu thập, bổ sung trước khi thực hiện chỉnh lý. Phạm vi và thành phần tài liệu
cần thu thập, bổ sung được xác định căn cứ các yếu tố sau:
- Mục đích,
yêu cầu và phạm vi giới hạn tài liệu đưa ra chỉnh lý;
- Báo cáo kết
quả khảo sát tài liệu;
- Chức năng,
nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức - đơn vị hình thành phông, của các đơn vị, bộ
phận và nhiệm vụ của các cá nhân liên quan;
- Sổ đăng ký
văn bản đi, đến;
- Biên bản
giao nhận tài liệu của các đơn vị, bộ phận và cá nhân (nếu có).
Nguồn bổ sung
tài liệu từ: thủ trưởng cơ quan, đơn vị; các đơn vị, cá nhân được giao giải
quyết công việc; những người đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác; cơ quan, tổ chức
cấp trên hoặc cơ quan, tổ chức trực thuộc...
5. Biên soạn các văn bản hướng dẫn chỉnh lý và
lập kế hoạch chỉnh lý
5.1. Biên
soạn bản lịch sử đơn vị hình thành phông và lịch sử phông
Lịch sử đơn vị hình thành phông là bản tóm
tắt lịch sử về tổ chức và hoạt động của đơn vị hình thành phông hoặc khối tài
liệu.
Lịch sử phông là bản tóm tắt tình
hình, đặc điểm của phông tài liệu.
- Bản lịch sử
đơn vị hình thành phông và lịch sử phông phải được biên soạn chi tiết, đầy đủ
khi tổ chức chỉnh lý lần đầu; những lần chỉnh lý sau chỉ cần bổ sung thông tin
về sự thay đổi trong tổ chức và hoạt động của đơn vị hình thành phông và về
khối tài liệu đưa ra chỉnh lý nhằm mục đích:
+ Làm căn cứ
cho việc xây dựng kế hoạch chỉnh lý phù hợp;
+ Làm căn cứ
cho việc biên soạn các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ cụ thể trong chỉnh lý như:
hướng dẫn phân loại, lập hồ sơ; hướng dẫn xác định giá trị tài liệu và phương
án phân loại tài liệu;
+ Giúp cho
những người tham gia thực hiện chỉnh lý nắm bắt một cách khái quát về lịch sử
và hoạt động của đơn vị hình thành phông và về tình hình của phông hoặc khối
tài liệu đưa ra chỉnh lý.
- Khi biên
soạn các văn bản này, cần tham khảo tư liệu liên quan về đơn vị và về phông tài
liệu sau:
+ Các văn bản
quy phạm pháp luật và các văn bản khác về việc thành lập, chia tách, sáp nhập…;
quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của đơn vị hình thành
phông và các đơn vị cấu thành;
+ Các văn bản
quy định về quan hệ, lề lối làm việc và chế độ công tác văn thư của đơn vị hình
thành phông;
+ Các biên
bản giao nhận tài liệu; mục lục hồ sơ, tài liệu nộp lưu; sổ sách thống kê tài
liệu và sổ đăng ký văn bản đi, đến;
+ Báo cáo kết
quả khảo sát tài liệu;
+ Các tư liệu
khác có liên quan.
- Ngoài ra,
có thể thu thập thông tin cần thiết từ các cán bộ, công chức, viên chức trong
cơ quan, đơn vị.
Bản lịch sử
đơn vị hình thành phông và lịch sử phông có thể biên soạn riêng hoặc gộp làm
một, bao gồm 2 phần với những nội dung cụ thể theo Đề cương biên soạn đính kèm
(Phụ lục 3).
5.2. Biên
soạn bản hướng dẫn phân loại, lập hồ sơ
Hướng dẫn phân loại, lập hồ sơ là bản hướng
dẫn phân chia tài liệu của phông hoặc khối tài liệu đưa ra chỉnh lý thành các
nhóm lớn, nhóm vừa, nhóm nhỏ theo một phương án phân loại nhất định và phương
pháp lập hồ sơ; được dùng làm căn cứ để những người tham gia chỉnh lý thực hiện
việc phân loại tài liệu, lập hồ sơ và hệ thống hoá hồ sơ toàn phông được thống
nhất.
Phương án phân loại tài liệu là bản dự
kiến phân chia tài liệu thành các nhóm và trật tự sắp xếp các nhóm tài liệu của
phông.
Nội dung bản hướng dẫn phân loại, lập hồ sơ
Bản hướng dẫn
phân loại, lập hồ sơ bao gồm 2 phần chính: hướng dẫn phân loại tài liệu và
hướng dẫn lập hồ sơ (Đề cương biên soạn đính kèm - Phụ lục 4)
a) Phần 1. Hướng dẫn phân loại tài liệu
Nội dung của
phần này bao gồm phương án phân loại tài liệu và những hướng dẫn cụ thể trong
quá trình phân chia tài liệu của phông hoặc khối tài liệu đưa ra chỉnh lý thành
các nhóm lớn, nhóm vừa, nhóm nhỏ hay đưa tài liệu vào các nhóm thích hợp.
- Việc lựa
chọn và xây dựng phương án phân loại tài liệu đối với phông hoặc khối tài liệu
đưa ra chỉnh lý được tiến hành trên cơ sở vận dụng các nguyên tắc, phương pháp
phân loại tài liệu phông lưu trữ vào tình hình thực tế của phông hoặc khối tài
liệu, qua việc nghiên cứu bản lịch sử đơn vị hình thành phông và lịch sử phông
và báo cáo kết quả khảo sát tài liệu; đồng thời, căn cứ yêu cầu tổ chức, sắp
xếp và khai thác sử dụng tài liệu sau này. Tuỳ thuộc từng phông hoặc khối tài
liệu cụ thể, có thể lựa chọn một trong những phương án phân loại tài liệu sau:
+ Phương án
“cơ cấu tổ chức - thời gian”: áp dụng đối với tài liệu của đơn vị hình thành
phông có cơ cấu tổ chức và chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị, bộ phận tương
đối rõ ràng, ổn định;
+ Phương án
“thời gian - cơ cấu tổ chức”: áp dụng đối với tài liệu của đơn vị hình thành
phông có cơ cấu tổ chức hay thay đổi;
+ Phương án
“mặt hoạt động - thời gian”: áp dụng đối với tài liệu của đơn vị hình thành
phông có cơ cấu tổ chức hay thay đổi nhưng có chức năng, nhiệm vụ tương đối ổn
định;
+ Phương án
“thời gian - mặt hoạt động”: áp dụng đối với tài liệu của đơn vị hình thành
phông có cơ cấu tổ chức và chức năng, nhiệm vụ hay thay đổi, không rõ ràng hoặc
đối với tài liệu của các đơn vị hình thành phông hoạt động theo nhiệm kỳ;
+ Phương án
“vấn đề - thời gian” và “thời gian - vấn đề”: áp dụng đối với tài liệu của đơn
vị hình thành phông nhỏ, có ít tài liệu; đối với tài liệu phông lưu trữ cá nhân
và các sưu tập tài liệu lưu trữ.
- Theo phương
án phân loại đã lựa chọn, các nhóm lớn, nhóm vừa và nhóm nhỏ có thể như sau:
+ Theo phương
án “cơ cấu tổ chức - thời gian”: các đơn vị tổ chức của đơn vị hình thành
phông; năm; các lĩnh vực hoặc nội dung hoạt động lớn của các đơn vị tổ chức;
+ Theo phương
án “thời gian - cơ cấu tổ chức”: năm; các đơn vị tổ chức của đơn vị hình thành
phông; các lĩnh vực hoặc nội dung hoạt động lớn của các đơn vị tổ chức;
+ Theo phương
án “mặt hoạt động - thời gian”: mặt hoạt động; năm; các lĩnh vực hoặc nội dung
hoạt động lớn trong phạm vi một mặt hoạt động;
+ Theo phương
án “thời gian - mặt hoạt động”: năm; mặt hoạt động; các lĩnh vực hoặc nội dung
hoạt động lớn trong phạm vi một mặt hoạt động.
b) Phần 2.
Hướng dẫn lập hồ sơ
Nội dung phần
hướng dẫn lập hồ sơ bao gồm:
- Hướng dẫn
chi tiết về phương pháp tập hợp các văn bản, tài liệu theo đặc trưng chủ yếu
như vấn đề, tên gọi của văn bản, tác giả, cơ quan giao dịch, thời gian v.v..
thành hồ sơ đối với những phông hoặc khối tài liệu còn ở trong tình trạng lộn
xộn, chưa được lập hồ sơ.
- Hướng dẫn
chỉnh sửa hoàn thiện hồ sơ đối với những phông hoặc khối tài liệu đã được lập
hồ sơ nhưng còn chưa chính xác, đầy đủ (chưa đạt yêu cầu nghiệp vụ đặt ra).
- Hướng dẫn
viết tiêu đề hồ sơ:
Tiêu đề hồ sơ
bao gồm các yếu tố thông tin cơ bản, phản ánh khái quát nội dung của văn bản,
tài liệu có trong hồ sơ, nhưng cần ngắn gọn, rõ ràng, chính xác và được thể
hiện bằng ngôn ngữ phù hợp. Các yếu tố thông tin cơ bản của tiêu đề hồ sơ
thường gồm: tên loại văn bản, tác giả, nội dung, địa điểm, thời gian. Trật tự
các yếu tố trên có thể thay đổi tuỳ theo từng loại hồ sơ. Dưới đây là một số
dạng tiêu đề hồ sơ tiêu biểu:
+ Tên loại
văn bản - nội dung - thời gian - tác giả: áp dụng đối với các hồ sơ là chương
trình, kế hoạch, báo cáo công tác thường kỳ của cơ quan, ví dụ:
Chương
trình, kế hoạch, báo cáo công tác năm 1970 của Bộ Vật tư.
Kế
hoạch, báo cáo thực hiện kế hoạch nhà nước năm 1962 của Bộ Công nghiệp.
+ Tên loại
văn bản - tác giả - nội dung - thời gian: áp dụng đối với các hồ sơ là chương
trình, kế hoạch, báo cáo chuyên đề, ví dụ:
Chương
trình, kế hoạch, báo cáo của Bộ Nội vụ về kiện toàn chính quyền các cấp sau sửa
sai cải cách ruộng đất năm 1959.
+ Tập lưu
(quyết định, chỉ thị, thông tư, công văn v.v...) - thời gian - tác giả: áp dụng
đối với các hồ sơ là tập lưu văn bản đi của cơ quan, ví dụ:
Tập
lưu công văn quý I năm 2002 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc.
+ Hồ sơ Hội
nghị (Hội thảo) - nội dung - tác giả (cơ
quan tổ chức hoặc cơ quan chủ trì) - địa điểm - thời gian: áp dụng đối với hồ
sơ hội nghị, hội thảo, ví dụ:
Hồ
sơ Hội nghị tổng kết công tác năm 1980 của Cục Lưu trữ Nhà nước ngày
15/01/1981.
Hồ
sơ Hội thảo SARBICA “Xác định giá trị và loại huỷ tài liệu” do Cục Lưu trữ Nhà
nước Việt Nam
tổ chức tại Hà Nội từ 25-26/01/1995.
+ Hồ sơ - vấn
đề - địa điểm - thời gian: áp dụng đối với loại hồ sơ việc mà văn bản về quá trình
giải quyết công việc còn lưu được khá đầy đủ, ví dụ:
Hồ
sơ về vụ tai nạn nổ xe khách tại xã Đại Bái huyện Gia Bình tỉnh Bắc Ninh ngày
02/5/2003.
Hồ
sơ về việc nâng lương năm 1998.
+ Hồ sơ - tên
người: áp dụng đối với hồ sơ nhân sự, ví dụ:
Hồ
sơ của Nguyễn Văn A.
- Hướng dẫn sắp xếp văn bản, tài liệu bên trong
hồ sơ:
Tuỳ theo từng
loại hồ sơ mà biên soạn hướng dẫn cụ thể về việc sắp xếp văn bản, tài liệu
trong mỗi loại hồ sơ theo trình tự nhất định, bảo đảm phản ánh được diễn biến
của sự việc hay quá trình theo dõi, giải quyết công việc trong thực tế. Sau đây
là một số cách sắp xếp văn bản, tài liệu trong hồ sơ:
+ Theo số thứ
tự và ngày tháng văn bản: đối với những hồ sơ được lập theo đặc trưng chủ yếu
là tên loại văn bản.
+ Theo thời
gian diễn biến của hội nghị, hội thảo; theo trình tự theo dõi, giải quyết công
việc: đối với hồ sơ hội nghị, hội thảo; hồ sơ việc.
+ Theo tầm
quan trọng của tác giả hoặc theo vần ABC... tên gọi tác giả, tên địa danh: đối
với những hồ sơ bao gồm các văn bản của nhiều tác giả; của các tác giả của một
cơ quan chủ quản hay các tác giả là những cơ quan cùng cấp nhưng thuộc nhiều
địa phương khác nhau, ví dụ:
Tập
tài liệu của BCH TW Đảng, Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo bầu cử Quốc hội năm 2002.
Trong hồ sơ này, văn bản được sắp xếp theo tầm quan trọng của tác giả văn bản.
Kế
hoạch và báo cáo thực hiện kế hoạch cung ứng vật tư kỹ thuật cho các tỉnh biên
giới phía Bắc năm 1979 của các Tổng Công ty thuộc Bộ Vật tư. Trong hồ sơ này,
văn bản được sắp xếp theo vần ABC... tên gọi các Tổng Công ty: Tổng công ty Hoá chất, Tổng Công ty Kim khí, Tổng
Công ty Thiết bị phụ tùng, Tổng Công ty Xăng dầu.
Báo
cáo công tác tuyển sinh các cấp năm học 2001-2002 của Phòng Giáo dục các huyện,
thị xã thuộc tỉnh Quảng Bình. Trong hồ sơ này, các báo cáo được sắp xếp theo
vần ABC... tên Phòng Giáo dục các huyện, thị xã: Phòng Giáo dục huyện Bố Trạch,
Phòng Giáo dục thị xã Đồng Hới, Phòng Giáo dục huyện Lệ Thuỷ, Phòng Giáo dục
huyện Minh Hoá...
5.3. Biên
soạn bản hướng dẫn xác định giá trị tài liệu
- Bản hướng
dẫn xác định giá trị tài liệu phải được biên soạn chi tiết, cụ thể đối với các
phông tài liệu được chỉnh lý lần đầu; những lần sau chỉ cần sửa đổi, bổ sung
cho phù hợp với tình hình thực tế khối tài liệu đưa ra chỉnh lý.
- Nội dung
bản hướng dẫn xác định giá trị tài liệu bao gồm 2 phần chính: phần bản kê (dự
kiến) các nhóm tài liệu cần giữ lại bảo quản hoặc loại ra khỏi phông và phần
hướng dẫn cụ thể được dùng làm căn cứ để những người tham gia chỉnh lý thực
hiện việc xác định giá trị và định thời hạn bảo quản cho từng hồ sơ được thống
nhất (Đề cương biên soạn đính kèm - Phụ lục 5).
- Căn cứ để
biên soạn bản hướng dẫn xác định giá trị tài liệu gồm:
+ Các nguyên
tắc, phương pháp, tiêu chuẩn xác định giá trị tài liệu;
+ Các quy
định của pháp luật có liên quan đến thời hạn bản quản tài liệu;
+ Các bảng
thời hạn bảo quản tài liệu như bảng thời hạn bảo quản văn kiện mẫu; bảng thời
hạn bảo quản tài liệu của ngành hoặc của cơ quan (nếu có);
+ Các bản
hướng dẫn thành phần hồ sơ, tài liệu thuộc diện nộp lưu vào lưu trữ lịch sử các
cấp;
+ Danh mục hồ
sơ của cơ quan, đơn vị hình thành phông (nếu có);
+ Bản lịch sử
đơn vị hình thành phông và lịch sử phông và hướng dẫn phân loại, lập hồ sơ;
+ Ngoài ra,
cần tham khảo ý kiến của các cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, đặc
biệt là những người làm chuyên môn.
5.4. Lập kế
hoạch chỉnh lý
Kế hoạch chỉnh lý là bản dự kiến nội dung
công việc, tiến độ thực hiện, nhân lực và cơ sở vật chất phục vụ cho việc chỉnh
lý (Đề cương biên soạn đính kèm - Phụ lục 6).
Khi chỉnh lý
các phông hoặc khối tài liệu lớn với nhiều người tham gia thực hiện, cần phải
xây dựng kế hoạch chỉnh lý chi tiết, cụ thể.
Các văn bản
hướng dẫn chỉnh lý và kế hoạch chỉnh lý phải được người có thẩm quyền phê duyệt
hoặc người có trách nhiệm thông qua và có thể bổ sung, hoàn thiện trong quá
trình thực hiện cho phù hợp với thực tế.
III. THỰC
HIỆN CHỈNH LÝ
1. Phân loại tài liệu
Căn cứ bản
hướng dẫn phân loại, lập hồ sơ, tiến hành phân chia tài liệu thành các nhóm
theo trình tự sau:
Bước 1: Phân
chia tài liệu ra thành các nhóm lớn;
Bước 2: Phân
chia tài liệu trong nhóm lớn thành các nhóm vừa;
Bước 3: Phân
chia tài liệu trong nhóm vừa thành các nhóm nhỏ.
Trong quá
trình phân chia tài liệu thành các nhóm, nếu phát hiện thấy có bản chính, bản
gốc của những văn bản, tài liệu có giá trị thuộc phông khác thì phải để riêng
và lập thành danh mục để bổ sung cho phông đó.
2. Lập hồ sơ hoặc chỉnh sửa hoàn thiện hồ sơ
a) Lập hồ sơ đối với phông tài liệu chưa được
lập hồ sơ
Trong phạm vi
các nhóm nhỏ, căn cứ bản hướng dẫn phân loại, lập hồ sơ và bản hướng dẫn xác
định giá trị tài liệu, tiến hành lập hồ sơ kết hợp với xác định giá trị và định
thời hạn bảo quản cho hồ sơ.
Trong quá
trình sắp xếp văn bản, tài liệu trong mỗi hồ sơ, cần kết hợp xem xét loại ra
khỏi hồ sơ những văn bản, tài liệu hết giá trị. Đối với tài liệu hết giá trị,
cũng phải viết tiêu đề tóm tắt để thống kê thành danh mục tài liệu hết giá trị.
Tài liệu trùng thừa và tài liệu bị bao hàm thuộc hồ sơ nào phải được xếp ở cuối
hồ sơ đó và chỉ được loại ra khỏi hồ sơ sau khi đã được kiểm tra.
Nếu một hồ sơ
gồm nhiều văn bản, tài liệu và quá dày, cần phân chia thành các đơn vị bảo quản
một cách hợp lý.
b) Chỉnh sửa hoàn thiện hồ sơ
Đối với phông
tài liệu đã được lập hồ sơ, căn cứ bản hướng dẫn phân loại, lập hồ sơ và bản
hướng dẫn xác định giá trị tài liệu, tiến hành kiểm tra toàn bộ hồ sơ của
phông; chỉnh sửa hoàn thiện hồ sơ kết hợp với xác định giá trị và định thời hạn
bảo quản đối với những hồ sơ được lập chưa đạt yêu cầu nghiệp vụ.
Mỗi hồ sơ
được lập hoặc được chỉnh sửa hoàn thiện cần được để trong một tờ bìa tạm hoặc
một sơ mi riêng và đánh một số tạm thời; đồng thời, ghi số đó và những thông
tin ban đầu về mỗi hồ sơ (như tên viết tắt của các nhóm (nếu có) theo phương án
phân loại tài liệu, tiêu đề hồ sơ, thời hạn bảo quản và thời gian sớm nhất và
muộn nhất của tài liệu có trong hồ sơ) lên một tấm thẻ tạm hoặc một phiếu tin
(Mẫu phiếu tin và hướng dẫn biên mục phiếu tin tham khảo Phụ lục 7 đính kèm).
3. Biên mục phiếu tin
Việc biên mục
phiếu tin hồ sơ và xây dựng cơ sơ dữ liệu (CSDL) quản lý và tra tìm hồ sơ, tài
liệu lưu trữ tự động hoá có thể tiến hành một cách độc lập đối với các phông
tài liệu đã được chỉnh lý. Tuy nhiên, đối với các phông tài liệu chưa được
chỉnh lý, nội dung này nên được kết hợp trong quá trình chỉnh lý.
Phiếu tin hồ sơ hay phiếu mô tả hồ sơ
là biểu ghi tổng hợp các thông tin về một hồ sơ hoặc một đơn vị bảo quản. Mỗi
thông tin hoặc nhóm thông tin được ghi trên một ô mục (hay còn gọi là trường)
của phiếu tin. Phiếu tin được dùng để nhập tin và xây dựng cơ sở dữ liệu quản
lý và tra tìm hồ sơ, tài liệu lưu trữ tự động hoá. Ngoài ra, phiếu tin còn được
sử dụng thay thế cho thẻ tạm để hệ thống hoá hồ sơ của phông.
Các thông tin
cơ bản về một hồ sơ hoặc một đơn vị bảo quản trên phiếu tin gồm: tên (hoặc mã)
kho lưu trữ; tên (hoặc số) phông lưu trữ; số lưu trữ; ký hiệu thông tin; tiêu
đề hồ sơ; chú giải; thời gian của tài liệu; thời hạn bảo quản và chế độ sử
dụng.
Ngoài ra, tuỳ
theo yêu cầu của mỗi cơ quan, tổ chức trong việc quản lý, tra tìm hồ sơ, tài
liệu lưu trữ, có thể bổ sung các thông tin như ngôn ngữ; bút tích; tình trạng
vật lý; v.v.... (chi tiết xem Phụ lục 7 đính kèm).
4. Hệ thống hoá hồ sơ
Bước 1: Sắp
xếp các phiếu tin hoặc thẻ tạm trong phạm vi mỗi nhóm nhỏ; sắp xếp các nhóm nhỏ
trong từng nhóm vừa, các nhóm vừa trong mỗi nhóm lớn và các nhóm lớn trong
phông theo phương án phân loại tài liệu và đánh số thứ tự tạm thời lên phiếu
tin hoặc thẻ tạm.
Bước 2: Sắp
xếp toàn bộ hồ sơ hoặc đơn vị bảo quản của phông theo số thứ tự tạm thời của
phiếu tin hoặc thẻ tạm.
Khi hệ thống
hoá hồ sơ, phải kết hợp kiểm tra và tiến hành chỉnh sửa đối với những trường
hợp hồ sơ được lập bị trùng lặp (trùng toàn bộ hồ sơ hoặc một số văn bản trong
hồ sơ), bị xé lẻ hay việc xác định giá trị cho hồ sơ, tài liệu chưa chính xác
hoặc không thống nhất.
5. Biên mục hồ sơ
Việc biên mục
hồ sơ gồm những nội dung sau:
a) Đánh số tờ:
Dùng bút chì
đen, mềm hoặc máy dập số để đánh số thứ tự của tờ tài liệu, từ tờ đầu tiên tới
tờ cuối cùng có trong hồ sơ hoặc đơn vị bảo quản. Số tờ được đánh bằng chữ số
ảrập vào góc phải phía trên của tờ tài liệu. Trường hợp đánh nhầm số thì gạch
đi và đánh lại ở bên cạnh; đối với những tờ đã bị bỏ sót khi đánh số thì đánh
số trùng với số của tờ trước đó và thêm chữ cái La tinh theo thứ tự abc ở sau,
ví dụ: có 2 tờ bị bỏ sót không đánh số sau tờ số 15 thì các tờ đó được đánh số
trùng là 15a và 15b.
Số lượng tờ
tài liệu có trong hồ sơ hoặc đơn vị bảo quản nào phải được bổ sung vào thẻ tạm
hoặc phiếu tin của hồ sơ hoặc đơn vị bảo quản đó.
b) Viết mục lục văn bản:
Ghi các nội
dung thông tin về từng văn bản có trong hồ sơ vào tờ mục lục văn bản được in
riêng hoặc phần mục lục văn bản được in sẵn trong bìa hồ sơ theo Tiêu chuẩn
ngành TCN 01: 2002 “Bìa hồ sơ” được ban hành kèm theo Quyết định số 62/QĐ-LTNN
ngày 07/5/2002 của Cục Lưu trữ Nhà nước.
c) Viết chứng từ kết thúc:
Ghi số lượng
tờ tài liệu, số lượng tờ mục lục văn bản (nếu được in riêng) và đặc điểm của
tài liệu (nếu có) trong hồ sơ hoặc đơn vị bảo quản vào tờ chứng từ kết thúc được
in riêng hoặc phần chứng từ kết thúc được in sẵn trong bìa hồ sơ theo Tiêu
chuẩn ngành TCN 01: 2002 “Bìa hồ sơ” được ban hành kèm theo Quyết định số
62/QĐ-LTNN ngày 07/5/2002 của Cục Lưu trữ Nhà nước.
Việc đánh số
tờ, viết mục lục văn bản và chứng từ kết thúc chỉ áp dụng đối với những hồ sơ
bảo quản vĩnh viễn và những hồ sơ có thời hạn bảo quản lâu dài (từ 20 năm trở
lên).
d) Viết
bìa hồ sơ:
Căn cứ phiếu
tin hoặc thẻ tạm, ghi các thông tin: tên phông, tên đơn vị tổ chức (nếu có);
tiêu đề hồ sơ; thời gian bắt đầu và kết thúc; số lượng tờ; số phông, số mục
lục, số hồ sơ (riêng số hồ sơ tạm thời được viết bằng bút chì) và thời hạn bảo
quản lên bìa hồ sơ được in sẵn theo Tiêu chuẩn ngành TCN 01: 2002 “Bìa hồ sơ”
được ban hành kèm theo Quyết định số 62/QĐ-LTNN ngày 07/5/2002 của Cục Lưu trữ
Nhà nước.
Khi viết bìa
hồ sơ cần lưu ý:
- Tên phông
là tên gọi chính thức của đơn vị hình thành phông. Đối với những đơn vị hình
thành phông có sự thay đổi về tên gọi nhưng về cơ bản, có chức năng, nhiệm vụ
không thay đổi (tức là chưa đủ điều kiện để lập phông mới) thì lấy tên phông là
tên gọi cuối cùng của đơn vị hình thành phông;
- Chữ viết
trên bìa phải rõ ràng, sạch, đẹp và đúng chính tả; chỉ được viết tắt những từ
đã quy định trong bảng chữ viết tắt;
- Mực để viết
bìa hồ sơ dùng loại mực đen, bền màu.
6. Vệ sinh tài liệu; tháo bỏ ghim, kẹp; làm
phẳng tài liệu
- Dùng bàn
chải thích hợp để quét chải làm sạch tài liệu;
- Dùng các
dụng cụ như: dao lưỡi mỏng, móc chuyên dùng… để gỡ bỏ ghim, kẹp tài liệu;
- Làm phẳng
tài liệu đối với những tờ tài liệu bị quăn, gấp, nhàu.
7. Thống kê, kiểm tra và làm thủ tục tiêu huỷ
tài liệu hết giá trị
7.1. Thống kê
tài liệu hết giá trị
- Tài liệu
hết giá trị loại ra trong quá trình chỉnh lý phải được tập hợp thành các nhóm theo phương án phân loại và được thống kê thành
danh mục tài liệu hết giá trị theo mẫu đính kèm (Phụ lục 8). Khi thống kê tài
liệu loại cần lưu ý:
+ Các bó, gói
tài liệu loại ra trong quá trình chỉnh lý được đánh số liên tục từ 01 đến hết
trong phạm vi toàn phông;
+ Trong mỗi
bó, gói, các tập tài liệu được đánh số riêng, từ 01 đến hết.
7.2. Kiểm
tra, làm thủ tục tiêu huỷ tài liệu loại
- Tài liệu
hết giá trị loại ra trong quá trình chỉnh lý phải được hội đồng xác định giá
trị tài liệu của cơ quan, tổ chức kiểm tra, cấp có thẩm quyền thẩm định.
- Qua kiểm
tra và thẩm tra, những tài liệu được yêu cầu giữ lại bảo quản phải được lập
thành hồ sơ và sắp xếp vào vị trí phù hợp hoặc bổ sung vào các hồ sơ tương ứng
của phông; đối với tài liệu hết giá trị về mọi phương diện, phải lập hồ sơ đề
nghị tiêu huỷ trình cấp có thẩm quyền ra quyết định tiêu huỷ và tổ chức tiêu
huỷ theo đúng quy định của pháp luật. Hồ sơ đề nghị tiêu huỷ tài liệu gồm:
+ Danh mục
tài liệu loại kèm theo bản thuyết minh tài liệu loại;
+ Biên bản
họp Hội đồng xác định giá trị tài liệu của cơ quan, tổ chức;
+ Văn bản
thẩm định của cấp có thẩm quyền.
8. Đánh số hồ sơ chính thức; vào bìa, hộp (cặp);
viết và dán nhãn hộp (cặp)
- Đánh số
chính thức bằng chữ số Ả rập cho toàn bộ hồ sơ của phông hoặc khối tài liệu đưa
ra chỉnh lý lên thẻ tạm hoặc phiếu tin và lên bìa hồ sơ. Số hồ sơ được đánh
liên tục trong toàn phông:
+ Đối với
những phông hoặc khối tài liệu được chỉnh lý lần đầu: từ số 01 cho đến hết;
+ Đối với
những đợt chỉnh lý sau: từ số tiếp theo số hồ sơ cuối cùng trong mục lục hồ sơ
của chính phông hoặc khối tài liệu đó trong đợt chỉnh lý trước.
- Vào bìa hồ
sơ và đưa hồ sơ vào hộp (cặp).
- Viết và dán
nhãn hộp (cặp): khi viết nhãn hộp (cặp), phải dùng loại mực đen, bền màu; chữ
viết trên nhãn phải rõ ràng, dễ đọc. Nhãn được in sẵn theo mẫu đính kèm (Phụ
lục 9), có thể in trực tiếp lên gáy gộp hoặc in riêng theo kích thước phù hợp
với gáy của hộp (cặp) được dùng để đựng tài liệu.
9. Xây dựng công cụ quản lý và tra tìm hồ sơ,
tài liệu
9.1. Lập mục
lục hồ sơ
Việc lập mục
lục hồ sơ bao gồm những nội dung sau:
- Viết lời
nói đầu, trong đó giới thiệu tóm tắt về lịch sử đơn vị hình thành phông và lịch
sử phông; phương án phân loại tài liệu và kết cấu của mục lục hồ sơ.
- Viết các
bảng chỉ dẫn mục lục như bảng chỉ dẫn vấn đề; bảng chỉ dẫn tên người; bảng chỉ
dẫn tên địa danh; bảng chữ viết tắt sử dụng trong mục lục.
- Căn cứ các
nội dung thông tin trên thẻ tạm, đánh máy và in bảng thống kê hồ sơ của phông;
hoặc nhập tin từ phiếu tin vào máy và in bảng thống kê hồ sơ từ CSDL quản lý và
tra tìm hồ sơ, tài liệu của phông (nếu CSDL được xây dựng kết hợp với việc
chỉnh lý tài liệu).
- Đóng quyển
mục lục (ít nhất 03 bộ) để phục vụ cho việc quản lý và khai thác, sử dụng tài
liệu.
Mẫu trình bày
mục lục hồ sơ thực hiện theo Tiêu chuẩn ngành TCN-04-1997 “Mục lục hồ sơ” được
ban hành kèm theo Quyết định số 72/QĐ-KHKT ngày 02/8/1997 của Cục Lưu trữ Nhà
nước; riêng đối với lưu trữ hiện hành thì bổ sung thêm cột “Thời hạn bảo quản”
sau cột “Số lượng tờ”.
9.2. Xây dựng
CSDL quản lý và tra tìm hồ sơ, tài liệu tự động hoá
Việc xây dựng
(CSDL) quản lý và tra tìm hồ sơ, tài liệu lưu trữ tự động hoá được thực hiện
theo hướng dẫn riêng của Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước.
IV. KẾT THÚC
CHỈNH LÝ
1. Kiểm tra kết quả chỉnh lý
- Căn cứ để
kiểm tra gồm:
+ Mục đích,
yêu cầu của đợt chỉnh lý;
+ Các văn bản
hướng dẫn chỉnh lý đã ban hành;
+ Báo cáo kết
quả khảo sát tài liệu;
+ Hợp đồng
chỉnh lý (nếu có);
+ Biên bản
giao nhận tài liệu để chỉnh lý;
+ Kế hoạch
chỉnh lý.
- Nội dung
kiểm tra:
+ Kiểm tra
trên các văn bản hướng dẫn chỉnh lý; mục lục hồ sơ; cơ sở dữ liệu và công cụ
thống kê, tra cứu khác (nếu có) và danh mục tài liệu loại của phông hoặc khối
tài liệu chỉnh lý;
+ Kiểm tra
thực tế tài liệu sau khi chỉnh lý.
- Lập biên bản kiểm tra, nghiệm thu chỉnh lý
(nếu cần).
2. Bàn giao tài liệu, vận chuyển tài liệu vào
kho và sắp xếp lên giá
- Bàn giao
tài liệu:
+ Tài liệu
giữ lại bảo quản được bàn giao theo mục lục hồ sơ;
+ Tài liệu
loại ra để tiêu huỷ được bàn giao theo danh mục tài liệu loại;
+ Tài liệu
chuyển phông khác hoặc để bổ sung cho phông.
- Lập biên
bản giao nhận tài liệu theo mẫu đính kèm (Phụ lục 1).
- Vận chuyển
tài liệu vào kho bảo quản và sắp xếp lên giá.
3. Tổng kết
chỉnh lý
3.1. Viết báo cáo tổng kết chỉnh lý, trong
đó trình bày tóm tắt về:
a) Những kết
quả đạt được:
- Tổng số tài liệu đưa ra chỉnh lý và tình trạng
tài liệu trước khi chỉnh lý;
- Tổng số tài liệu sau khi chỉnh lý, trong đó:
+ Số lượng tài liệu giữ lại bảo quản: số lượng
hồ sơ bảo quản vĩnh viễn, có thời hạn bảo quản lâu dài, tạm thời (hoặc bảo quản
có thời hạn);
+ Số lượng tài liệu loại ra để tiêu huỷ: bó hoặc
gói, tập và tính theo mét giá;
+ Số lượng tài liệu chuyển phông khác hoặc để bổ
sung cho phông;
- Chất lượng hồ sơ sau khi chỉnh lý so với yêu
cầu nghiệp vụ.
b) Nhận xét, đánh
giá:
- Tiến độ thực hiện đợt chỉnh lý so với kế
hoạch;
- Những ưu điểm, khuyết điểm trong quá trình
chỉnh lý;
- Kinh nghiệm rút ra qua đợt chỉnh lý.
3.2. Hoàn chỉnh và bàn giao hồ sơ đợt chỉnh lý
Hồ sơ đợt chỉnh lý để bàn giao gồm:
- Báo cáo kết
quả khảo sát tài liệu;
- Các văn bản
hướng dẫn chỉnh lý và kế hoạch chỉnh lý;
- Mục lục hồ
sơ; cơ sở dữ liệu và công cụ thống kê, tra cứu khác (nếu có);
- Danh mục
tài liệu hết giá trị của phông hoặc khối tài liệu chỉnh lý kèm theo bản thuyết
minh;
- Báo cáo kết
quả đợt chỉnh lý./.